399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Chia sẻ
  • Kỹ thuật sử dụng giàn giáo tháp

Kỹ thuật sử dụng giàn giáo tháp

Giàn giáo được sử dụng rất nhiều trong các công trình xây dựng để đảm bảo sự an toàn cho tính mạng của những người công nhân khi phải leo lên leo xuống. Vì giàn giáo có nhiệm vụ quan trọng như vậy nên phải đảm bảo giàn giáo được sản xuất đúng tiêu chuẩn và kỹ thuật sử dụng giàn giáo phải đúng kỹ thuật.

Giàn giáo được chế tạo từ những kim loại chuyên dụng như thép, hợp kim, nhôm, tre,... Nhưng dù là vật liệu nào đi nữa thì quy tắc chung để đảm bảo sự an toàn điều cũng hao hao giống nhau. Phải đảm bảo nguyên liệu đủ cứng, vững để chịu tải trọng và độ võng khi thi công; được giằng chắc và ổn định; trong thiết kế phải tính đến việc phòng chống ngã của công nhân và vật liệu bị rơi. Sau đây là các lưu ý đề phòng ngã cao khi sử dụng một số loại giàn giáo cũ.

Giàn giáo được sử dụng nhiều trên công trình xây dựng, nó thường được chế tạo bằng vật liệu tốt, đủ chắc chắn để đảm bảo an toàn cho người lên xuống và làm việc. Giàn giáo là cấu trúc để bổ trợ cho các sàn thao tác, nó có thể dùng làm chỗ thi công, nơi chứa vật liệu hoặc cho bất cứ loại công tác nào trong xây dựng kể cả việc tu bổ hay phá dỡ. Sử dụng giàn giáo khi thi công xây dựng phải đảm bảo các nguyên tắc, chỉ những người có nhiệm vụ mới được tháo, lắp, di chuyển dưới sự giám sát của cán bộ kĩ thuật.

giàn giáo

1. Giàn giáo tháp

Giàn giáo tháp bao gồm một sàn công tác bắc trên các gióng ngang liên kết chặt với các trụ chống. Các trụ chống này có các chân đế kê trên ván gỗ (với loại giàn giáo cố định ) hoặc có bánh xe (với loại giàn giáo di động). Giàn giáo tháp được thiết kế cho thợ hoặc công nhân làm việc nhẹ nhàng trong khoảng thời gian ngắn tại một vị trí nhất định.

a) Các nguyên nhân gây tai nạn khi sử dụng giàn giáo tháp thường xảy ra vì lật giàn giáo trong các tình huống sau:

- Tỷ lệ giữa chiều cao giàn giáo và chiều rộng chân đế quá lớn;

- Sàn công tác quá tải làm cho giàn giáo mất ổn định;

- Đặt thang lên đỉnh giàn giáo để tăng chiều cao hoạt động;

- Sử dụng các máy dập trong một số công việc gây ra dao động theo phương ngang hoặc ngoại lực tác động vào đỉnh giàn giáo;

- Giàn giáo di động bị xê dịch do công nhân hoặc vật liệu ở trên sàn công tác gây ra;

- Đặt giàn giáo trên nền không chắc chắn hoặc bị nghiêng;

- Không giằng chắc giàn giáo với công trình như yêu cầu kỹ thuật đề ra;

- Phương tiện lên xuống sàn công tác đặt tựa vào sườn giàn giáo;

b) Chiều cao giới hạn khi sử dụng giàn giáo tháp

Yêu cầu đầu tiên của giàn giáo tháp là ổn định: đối với giàn giáo tháp cố định sử dụng để thi công công trình thì tỷ lệ giữa chiều cao giàn giáo với chiều rộng chân đế không được quá tỉ lệ 4:1. Với giàn giáo loại này sử dụng cho thi công ngoài trời thì tỷ lệ này là 3,5:1 và cho loại di động thì tối đa là 3:1.

Tải trọng trên sàn công tác của giàn giáo cũng là nguyên nhân làm lệch trọng tâm và gây mất ổn định.

Giàn giáo tháp cố định nếu đứng độc lập không nên để chiều cao tối đa vượt quá 12m. Nếu vượt quá thì phải giằng chắc chắn. Tương tự giàn giáo di động không nên cao quá 9,6m nếu đứng độc lập và 12m nếu được giằng với công trình.

c) Kết cấu của giàn giáo tháp

Giàn giáo phải thẳng đứng, chỉ có một sàn công tác và được kê trên nền vững ổn định. Với giàn giáo cố định phải đủ ván kê chân đế. Kích cỡ các ván này phụ thuộc vào yêu cầu công việc nhưng phải giữ sao cho khoảng cách giữa các trụ chống không dưới 1.2m. Giàn giáo tháp di động nên dùng loại bánh xe có đường kính trên 125mm và được lắp chặt vào chân các trụ. Bánh xe nên có khóa hoặc phanh lắp liền với trụ chống và phải đảm bảo hoạt động tốt khi cố định giàn giáo.

d) Sàn công tác của giàn giáo tháp

Sàn công tác của giàn giáo tháp cần bố trí nắp đậy chỗ đầu cầu thang lên xuống đề phòng công nhân có thể rơi qua đó. Nắp đậy phải có khóa ở cả vị trí mở và đóng, phía có tay nắm để trợ giúp khi leo lên hoặc xuống. Loại giàn giáo này cũng cần có lan can bảo vệ. Thanh lên xuống nên đặt phía trong lòng giàn giáo để chống lật giàn giáo.

e) Di chuyển giàn giáo tháp

Không được di chuyển giàn giáo di động khi đang có người hoặc vật liệu trên sàn công tác. Chỉ được di chuyển giàn giáo bằng các đẩy hoặc kéo trên các tấm chân đế, tuyệt đối không dùng xe để kéo.