399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Mẹ & Bé
  • Bé chậm nhận thức, hay cáu em có phải bị tự kỷ

Bé chậm nhận thức, hay cáu em có phải bị tự kỷ

Con tôi 7 tuổi, cháu rất chậm về nhận thức, không chú tâm vào học tập. Gần đây tôi thấy khi chơi với em 4 tuổi, cháu thường hay cấu, giận hờn, la hét rồi không chơi nữa, một lúc sau mới chơi lại.

Ở trường, cháu không chơi với bạn nào, lúc rảnh chỉ chú tâm vào sách vở của mình (do cháu viết bài chậm). Ở nhà cháu chơi với các bạn bình thường. Xin hỏi con tôi có phải bị tự kỷ không? Tôi nên làm gì để cháu tốt hơn? Xin chân thành cảm ơn. (Ngô Tùng)

Trả lời

Chào bạn,

Để nói về một trẻ có bị chứng tự kỷ hay không cần đánh giá trực tiếp trên rất nhiều phương diện về quan hệ xã hội, giao tiếp, hành vi, nhận thức, ngôn ngữ… Chính vì vậy, trường hợp của con bạn nếu chỉ có những biểu hiện như bạn nói ở trên thì chưa thể kết luận được rằng con bạn có bị tự kỷ hay không.

kid-1174-1406944105.jpg

Ở đây, chúng tôi thấy cháu có những biểu hiện đáng chú ý như cáu giận, la hét lúc chơi với em, nhưng chỉ tạm thời và một lúc cháu lại chơi tiếp. Đồng thời việc không chơi với bạn trên lớp cũng có lý do riêng đó là cháu phải viết bài trả cho cô giáo chứ không có thời gian để chơi cùng các bạn như ở nhà.

Chính vì vậy, vấn đề chúng tôi nhìn thấy mấu chốt là ở việc chậm về nhận thức trong việc học ảnh hưởng lên những cảm xúc, hành vi của cháu. Có thể chậm nhận thức trong việc học gây cho cháu những áp lực học đường, vì vậy cháu có những cảm xúc thất thường như về nhà la hét, cáu giận đổ lên em nhỏ trong khi chơi. Gánh nặng việc học hành làm cho cháu không có thời gian và tâm trạng để cùng chơi với các bạn trên lớp. Đối với bậc cha mẹ trong hoàn cảnh này, chúng tôi có một số lời khuyên dành cho bạn để giúp đỡ con như sau:

Bạn nên xác định xem con có những biểu hiện chậm nhận thức trong việc học ở mức độ như thế nào để định hướng can thiệp cho hợp lý. Bạn có thể cho bé đi kiểm tra IQ để nắm được đặc điểm nhận thức: thế mạnh và điểm yếu trong nhận thức của con để có phương pháp giúp đỡ cho phù hợp. Cha mẹ và giáo viên không nên nghiêm trọng hóa vấn đề, vô tình nói những câu chỉ trích thái quá sẽ gây cho trẻ áp lực và tâm lý sợ học, chán ghét việc học. Điều này càng khiến việc học của trẻ tồi tệ hơn, kết quả học tập xấu hơn cả những gì trẻ thực sự có thể làm được.

Bạn nên trao đổi, phối hợp với cô giáo trên lớp để giúp đỡ, khích lệ tinh thần trẻ trong việc học và đặt nên những mục tiêu nhỏ để giúp trẻ đạt được, không quá kỳ vọng ở con thì bạn sẽ đón nhận những tiến bộ dù nhỏ nhất của con với niềm vui to lớn.

Thay vì việc viết bài trong những giờ ra chơi để theo kịp với các bạn, theo tôi cha mẹ nên trao đổi với giáo viên để công việc đó cho trẻ làm khi về nhà, nhằm tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi cùng các bạn trên lớp. Vì thời gian vui chơi là lúc trẻ được thư giãn sau giờ học căng thẳng để sau đó tiết học mới được hiệu quả hơn, và sự giao lưu, học hỏi từ bạn bè trong những giờ vui chơi trên lớp sẽ rất bổ ích đối với lứa tuổi trẻ.

Và sau cùng, nếu bố mẹ đã có những cố gắng giúp đỡ nhưng con vẫn không tiến bộ thì bạn có thể đến trung tâm tư vấn trực tiếp hoặc đưa trẻ đến để được chẩn đoán, hỗ trợ về mặt tâm lý.

Chúc bạn và gia đình luôn gặp nhiều may mắn, hạnh phúc!

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

Tham khảo phương pháp điều trị bệnh tự kỷ tại: http://tuvantretuky.com/2014/06/12/khoi-dau-cho-tre-tu-ky/